Nhiều chuyên gia cho rằng, ý tưởng sáng chế ra máy bay trực thăng của thợ cơ khí phải được khuyến khích, hoan nghênh. Trong trường hợp, chiếc máy bay của anh Thắng để trong nhà không sử dụng, không gây tiếng ầm, không ảnh hưởng tới môi trường mà bắt họ tháo gỡ máy, cánh quạt ra khỏi khung máy bay thì chưa hợp lý.
 
 
Khoảng giữa tháng 12/2013, anh Nguyễn Văn Thắng, 44 tuổi, phố Gia Quất, quận Long Biên, TP Hà Nội đã chế tạo, thử nghiệm máy bay trực thăng và được báo chí đưa tin. Anh Thắng cho biết, đến khoảng tháng 2/2014, hai công an quận Long Biên đã đến nhà lập biên bản yêu cầu gia đình phải viết cam kết không được tiếp tục chế tạo, thử nghiệm chiếc máy bay.
 
Ngoài ra, anh phải tháo gỡ một số bộ phận như: máy nổ, cánh, máy nén khí... ra khỏi chiếc máy bay. Tuy nhiên, gia đình anh Thắng chỉ đồng ý ký vào cam kết ngừng chế tạo, thử nghiệm máy bay. Về yêu cầu gỡ động cơ ra khỏi chiếc máy bay, anh Thắng không đồng ý.
 
Thợ cơ khí chế máy bay: Sao lại cấm? - 1
 
Anh Thắng bên chiếc máy bay tự chế
 
GS.TS Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, ý tưởng chế máy bay trực thăng của anh Thắng rất tốt, đáng hoan nghênh. Việt Nam đang rất cần những người có ý tưởng sáng tạo, đam mê khoa học như vậy.
 
“Tôi thấy nếu chiếc máy bay của anh Thắng mà để yên trong nhà không hoạt động, không gây tiếng ồn, không ảnh hưởng tới môi trường xung quanh mà cấm họ chế tạo, thậm chí bắt tháo dỡ máy móc, cánh quạt là chưa hợp lý. Trong trường hợp này, những người có tinh thần, đam mê khoa học cần phải được khuyến khích, động viên”, GS Hảo chia sẻ.
 
GS Hảo cho rằng, chỉ khi nào anh Thắng thử nghiệm máy bay gây ảnh hưởng tới môi trường, cộng đồng dân cư xung quanh thì chính quyền phường mới có quyền can thiệp. Tuy nhiên, việc can thiệp ở đây cũng chỉ ở mức độ yêu cầu anh Thắng ngừng thử nghiệm chứ không thể bắt anh tháo dỡ máy móc, hay cánh quạt được.
 
Tiến sĩ khoa học Phan Văn Quýnh, giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội, cho hay, trước đây nhiều người nông dân chế tạo máy nông nghiệp, máy thái khoai, thái sắn đều không bị cấm. Mọi người dân đều có quyền nghiên cứu chế tạo máy móc, thiết bị. Đặc biệt, có nhiều thiết bị máy móc chưa chắc giáo sư, hay những người nghiên cứu khoa học có thể làm được, nhưng người nông dân lại làm được. Tại tỉnh Tây Ninh, người nông dân có thể chế tạo ra máy bay hay gần đây doanh nhân ở tỉnh Thái Bình cũng nghiên cứu chế tạo ra tàu ngầm Trường Sa 1.
 
“Dù bước đầu những phát minh đó chưa thành công nhưng về ý tưởng phải được ủng hộ. Đối với trường hợp anh Thắng chế máy bay ở quận Long Biên, tôi thấy nếu bắt anh ấy tháo gỡ máy móc, cánh quạt ra khỏi thì chưa thỏa đáng. Bởi máy bay của anh Thắng chỉ đặt trong nhà, không vi phạm, hay hưởng tới khu dân cư”, TS Quýnh nói.
 
Tiến sĩ Quýnh cho rằng, nhìn ở góc rộng hơn, Nhà nước có quyền thẩm định về tính khả thi sáng chế của anh Thắng. Tuy nhiên, nếu như anh Thắng có ý tưởng về việc sáng chế máy bay và nó khả thi thì anh Thắng có thể đăng kí với Cục sáng chế, phát minh. Cơ quan chức năng sẽ tạo điều kiện cho anh Thắng phát huy, sáng tạo ý tưởng của mình, đồng thời đảm bảo an toàn lao động, an toàn khu vực xung quanh.
 
Thợ cơ khí chế máy bay: Sao lại cấm? - 2
 
 Máy móc của chiếc máy bay
 
Ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không cho biết, quy trình chế tạo, thử nghiệm, sản xuất các phương tiện bay thường rất ngặt nghèo. Để chế tạo một phương tiện bay đưa vào sử dụng với bất kỳ mục đích gì đều phải tuân thủ quy định của nhà nước, trong đó quy định về tiêu chuẩn phương tiện và vùng trời sử dụng. Về ý tưởng sáng chế máy bay của anh Thắng là rất tốt. Tuy nhiên, nếu anh Thắng đặt máy bay trong nhà không sử dụng đến mà cơ quan chức năng bắt buộc tháo gỡ thì lại chưa đúng.
 
Ông Thanh cũng cho rằng, trong trường hợp anh Thắng thử nghiệm phải đảm bảo an toàn cho mình và người dân xung quanh. “Tôi có thể lấy ví dụ, khi anh Thắng thử nghiệm máy bay ở trong vườn nhà, hay ở ngoài cũng phải xin phép cơ quan chức năng về việc sử dụng vùng trời bay. Bởi khi anh Thắng thử nghiệm, máy bay có thể gây ảnh hưởng tới cộng đồng xung quanh. Như vậy, anh Thắng đã vi phạm vùng trời bay”, ông Thanh nói.
 
Theo ông Thanh, đối với lĩnh vực hàng không, khi muốn đưa máy bay vào khai thác thì phải trải qua quy trình rất nghiêm ngặt. Đơn cử, một công ty chế tạo máy bay ở Mỹ bắt đầu từ giai đoạn thử nghiệm đã phải trình lên Cục Hàng không liên bang Mỹ phê chuẩn đối với tất cả tiêu chuẩn cho máy bay đó. Đến khi chế tạo xong rồi lại phải xin cấp giấy phép hoàn thiện, rồi rất nhiều bộ phận, thiết bị phải kiểm tra lại.
 
Khi mua về Việt Nam để khai thác, đơn vị mua cũng phải xin công nhận lại những tiêu chuẩn giống như bên Mỹ họ làm. Như vậy, tất cả quy trình đó chỉ với mục đích đảm bảo an toàn cho cộng đồng.