Ngày 16/10/2009, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 10/2009/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm.

Sau Quyết định này có 11/24 dự án được xét duyệt hưởng các chính sách hỗ trợ vốn nhưng đến nay chỉ có 3 dự án đã được Ngân hàng Phát triển Việt Nam đồng ý cho ký hợp đồng tín dụng vay vốn. Những đơn vị đang thực hiện dự án cơ khí trọng điểm hiện nay ngoài việc khó tiếp cận vốn còn gặp không ít khó khăn khác, trong khi nhu cầu phát triển ngành Cơ khí trong nước đang ngày càng cấp thiết.


 
 
 
Đây cũng chính là lý do mà Hiệp hội cơ khí Việt Nam và Vụ công nghiệp nặng-Bộ Công Thương phối hợp tổ chức hội thảo “Tháo gỡ những khó khăn, bất cập cho các dự án cơ khí trọng điểm” diễn ra vào ngày 18/12/2014
 
Từ hội thảo cho thấy các vấn đề tồn đọng, gây cản trở cho sự phát triển các dự án cơ khí trọng điểm hiện nay tại Việt Nam chủ yếu liên quan đến chính sách ưu đãi (thuế, phí), chính sách kích cầu, thị trường cho các sản phẩm cơ khí trong nước. Vấn đề đáng nói ở đây là chủ trương chính sách đã có nhưng biện pháp thực thi chính sách lại chưa hiệu quả.
 
Ông Phan Tử Giang, Tổng Giám đốc Công ty Chế tạo dàn khoan dầu khí cho biết: “Đối với việc thực hiện các dự án cơ khí trọng điểm ngoài khó khăn kỹ thuật còn có rào cản lớn là cơ chế bất cập. Đó là cơ chế tài chính, cơ chế kích cầu, thuế, phí”. Ông Giang còn cho biết: “Với những dàn khoan từ 200-800 triệu USD nhu cầu vốn rất lớn, mặc dù có chính sách nhưng việc thực thi chính sách hiện nay yếu và chưa đồng bộ. Công ty Chế tạo dàn khoan dầu khí đã thực hiện từ dự án chế tạo dàn khoan đến dự án xây dựng căn cứ cho chế tạo dàn khoan (đều nằm trong dự án cơ khí trọng điểm) nhưng 7 năm hoạt động vừa qua của công ty đến nay vẫn chưa nhận được một ưu đãi tài chính nào theo quy định để sản xuất và đẩy mạnh xuất khẩu. Ngoài ra, chính sách kích cầu cũng chưa tốt nên chưa khuyến khích được các doanh nghiệp trong nước mua hàng”.
 
Việc tiếp cận vốn vay ngân hàng theo chính sách đã quy định trong nhiều năm qua theo phản ánh của các doanh nghiệp là quá khó phần vì lãi suất cao, phần vì lãi suất vẫn cao, thời hạn lại ngắn. Do đó có doanh nghiệp thậm chí đề nghị trong Dự thảo sửa đổi, bổ sung Quyết định số 10/2009/QĐ-TTg chỉ nên đưa vào kiến nghị về kích cầu, hỗ trợ thuế, phí, miễn thuế nhập khẩu. Có doanh nghiệp lại đề xuất đối với chính sách vay vốn không nên chỉ định Ngân hàng Đầu tư phát triển Việt Nam mà mở rộng sang ngân hàng thương mại cổ phần để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn.
 
Là người theo sát và đeo đuổi chính sách cho sự phát triển của ngành Cơ khí trong hàng chục năm qua, ông Nguyễn Văn Thụ, Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí Việt Nam khẳng định rằng: Con đường để tìm lối thoát cho ngành Cơ khí là phải có chính sách kích cầu. Ông Thụ đặt câu hỏi “Tại sao Cơ khí là ngành trọng điểm mà lại không có cơ chế chỉ định thầu?”và “…nếu chúng ta không bảo vệ thị trường, không có cơ chế đặt hàng cho doanh nghiệp thì chúng ta vẫn không làm được, trong khi năng lực của các doanh nghiệp Việt Nam làm được”. Ngoài ra, cũng theo ông Thụ, Việt Nam cần có chính sách hỗ trợ phát triển như đào tạo, thuế, phí cho sản phẩm cơ khí trọng điểm.  
 
Năm 2013, mức tăng trưởng của ngành Cơ khí trong nước đạt khoảng 700 ngàn tỷ đồng, chiếm khoảng 20% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của toàn ngành công nghiệp. Giá trị xuất khẩu năm 2013 đạt trên 13 tỷ USD, gấp gần 6 lần so với giá trị xuất khẩu năm 2006. Theo đánh giá, con số này vẫn chưa phản ánh đúng tiềm năng hiện có của các doanh nghiệp cơ khí trong nước và chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Hiện nay, ngành cơ khí mới chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu cơ khí của cả nước.
 
Chiến lược và Quy hoạch phát triển ngành Cơ khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2035 phù hợp với quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng của nước ta theo hướng lựa chọn sản phẩm cơ khí trọng điểm đang được Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các bộ/ngành liên quan để xây dựng. Dự thảo sửa đổi, bổ sung Quyết định số 10/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển sản phẩm cơ khí trọng điểm cũng đang được lấy ý kiến hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ. Còn các doanh nghiệp cơ khí trong nước đang kỳ vọng vào những chính sách thực sự tháo gỡ khó khăn bấy lâu nay.

Bình Minh Việt Nam đơn vị chuyên cung cấp các loại máy nén khí nhập khẩu cao cấp, phân phối trên toàn quốc.