Một máy nén khí như thế này khi nổ có thể làm một vật nặng 1 tấn văng xa hơn 200 m.

bình khí nén
Đây là thiết bị thông dụng ở các cơ sở sơn, hàn, điện lạnh, các điểm bơm, rửa xe... Vật dụng này tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ . Các loại bình tân trang chất lượng thấp còn được bán và sử dụng tràn lan, gây nhiều vụ tử vong. Nhưng công tác kiểm soát mặt hàng này lại đang bị buông lỏng.
 
Đoạn cuối đường Lý Thường Kiệt, gần ngã tư Bảy Hiền, quận Tân Bình, TP HCM, là nơi tập trung nhiều cơ sở tân trang các loại máy nén khí nhất trên địa bàn. Ở đây có đủ các loại bình to nhỏ đã qua sử dụng, mọi thương hiệu với số lượng lớn. Anh M.H. cho biết, trước đây cửa hàng của anh chỉ tập trung vào đồ “gin”, nhưng khó bán vì giá quá cao. Hiện cơ sở của anh có 4 thợ, mỗi ngày tân trang được 2 bình lớn hoặc 5 bình nhỏ. Hàng bán chạy nên mỗi tháng ngoài trả chi phí mặt bằng, nuôi cơm và trả công 3.000.000 đồng/thợ, anh còn lãi ra 10-15 triệu đồng.
 
 
Máy nén khí cũ gom về được thợ cạo sạch vỏ, đánh martit, sơn lại, thay hệ thống van và các phụ kiện, trông không khác gì bình mới. Song, hầu như không có cơ sở tân trang nào quan tâm đến hệ thống van - bộ phận liên quan đến khả năng chịu lực nén. Họ lấy lý do, nếu thay vào một van, xupap hoặc ống dẫn “gin” thì giá bán ra không thể cạnh tranh được với các cơ sở tân trang khác. Ngoài ra, người ta chỉ sơn quét lại bên ngoài thân cho bóng, mịn; còn bên trong, hầu hết đã bị ăn mòn nghiêm trọng thì không có cách nào khắc phục. Giá một bình tân trang loại 150-200 lít khoảng 2-2,5 triệu đồng, bằng 1/4 hoặc 1/5 giá hàng mới cùng loại.
 
Tại các bệnh viện TP HCM như Chợ Rẫy, Trung tâm Cấp cứu Trưng Vương, chuyện cấp cứu nạn nhân từ những vụ nổ bình khí không còn là chuyện lạ. Họ đều mang thương tích rất nặng và hầu hết đều tử vong hoặc tàn phế. Nguyên nhân gây nổ, theo phân tích của các chuyên gia, là do người sử dụng không được huấn luyện an toàn vận hành, bình quá cũ, thân vỏ không đảm bảo độ dày, hệ thống van an toàn hoạt động không hiệu quả.
 
Trước tình trạng đó, kỹ sư Trần Hồng Hải - Phó trưởng Ban Thanh tra kỹ thuật an toàn, bảo hộ lao động, Sở LĐTB&XH TP HCM - cho biết tình trạng sử dụng bình, chai chứa khí nén tràn lan, không được kiểm định an toàn v.v... là một thực tế rất đáng báo động. Tuy nhiên, việc kiểm soát nhằm ngăn ngừa tai nạn lại không đơn giản vì lực lượng thanh tra quá mỏng so với yêu cầu quản lý các loại máy, thiết bị, vật tư và các chất trong danh mục. Loại bình, chai chứa khí nén nêu trên lại là đối tượng kiểm tra nghiêm ngặt, thuộc phạm vi quản lý trực tiếp của Bộ. Theo quy định, đơn vị sử dụng thiết bị loại này (trừ cơ sở thuộc khu chế xuất) có trách nhiệm khai báo với Thanh tra Nhà nước để được xem xét cấp giấy phép nhưng quá trình này cũng khá phức tạp.
Kỹ sư Nguyễn Thanh Chánh - chuyên gia khí động lực học Phân viện Nghiên cứu khoa học kỹ thuật bảo hộ lao động tại TP HCM -cho biết chai chứa khí hay bình nén đều có sức công phá rất lớn. Một bình khí nén tại các điểm bơm xe, rửa xe (thường có dung tích khoảng 1,5 m3, áp suất 11 kg/cm2), nếu nổ có thể hất một vật nặng 1 tấn đi xa hơn 200 m. Bình nhỏ loại bơm bong bóng bay (thường có dung tích khoảng 80-100 lít, áp suất 3-4 kg/cm2) có tầm sát thương vài chục mét khi nổ. Trong khi đó, nguyên nhân gây nổ chỉ đơn giản như gần lửa, sử dụng trong lúc tay dính dầu, nhớt...