Hãng công nghệ TE Connectivity chính thức cho ra mắt chiếc xe máy in 3D đầu tiên trên thế giới có thể chạy được. Nó có thiết kế dựa trên mẫu Softtail của Harley-Davidson, dùng máy in 3D để tạo ra tất cả các chi tiết bằng nhựa, sau đó lắp thêm động cơ và bánh vào để hoàn tất. Mặc dù đây chỉ mới là nguyên mẫu ban đầu chưa hoàn chỉnh, nhưng hãng cho biết nó có thể chở được 2 người lớn đi với vận tốc 24 km/h trong vài phút.
Về cơ bản, hầu hết các bộ phận trên xe, từ khung sườn cho đến ổ trục bánh xe,… đều được làm bằng nhựa và hãng tuyên bố rằng đây là thành công lớn trong việc đảm bảo độ bền, chịu được tải trọng lớn của xe. Nguyên mẫu đầu tiên của xe máy in 3D được thiết kế dựa theo mẫu Softail của Harley-Davidson với chiều dài 2,4 mét, nặng 113,4 kg và được ghép lại từ rất nhiều bộ phận giống như những chiếc xe khác. Hãng cho biết sau nhiều lần thử nghiệm, cuối cùng họ đã tạo nên bộ khung sườn bằng máy in 3D có thể chịu được tải trọng tối đa 181 kg và 2 người lớn hoàn toàn có thể ngồi lên được. Ngoài các bộ phận như động cơ điện, lốp xe và một số thành phân bên ngoài cũng được làm bằng vật liệu không phải nhựa như phanh, dây điện, ắc quy, dây sên, gương, chân chống và một số bu lông.
Điểm đáng chú ý nhất là dù là xe nhựa nhưng nó có thể chạt được. Bên trong đó là khối động cơ điện 1 mã lực cho vận tốc tối đa lên tới 24 km/h và chạy được vài phút. Tất nhiên, công suất này thu xa bất cứ chiếc xe máy nào nhưng hãng cho biết rằng thành công lớn nhất chính là xe được tạo từ vật liệu nhựa và in ra bằng máy in 3D, còn các yếu tố khác có thể cải tiến bằng cách thay động cơ khác và nâng cao dung lượng pin. Hãng cũng tiết lộ thêm rằng họ đã mất hơn 1000 giờ làm việc cùng vớ 25.000 đô la để có thể tạo ra nguyên mẫu chiếc xe máy in 3D đầu tiên này.
Chi tiết hơn, hãng tiết lộ rằng các bộ phận chịu lực đã được tạo ra bằng công nghệ Tạo hình nóng chảy lắng đọng (FDM) nhằm hình thành nên một lớp nhựa Ultem 9085 phủ lên trên lớp nhựa ABS bên trong. Bằng cách này, TE có thể tạo nên nhiều bộ phận đòi hỏi chịu áp lực lớn trong quá trình vận hành như khung sườn. Và chưa dừng lại ở đó, phần ổ trục bánh xe tiếp tục là một thách thức trong quá trình chế tạo, đặc biệt là tại bánh sau của xe vốn được kết nối với động cơ nên sẽ chịu áp lực lớn hơn. Sau quá trình chạy thử nghiệm, họ đã tìm được cách tạo ra ổ trục bánh xe đảm bảo chịu được tải trọng và nhiệt lượng sinh ra trong lúc vận hành. Bên cạnh đó, họ tiết lộ rằng phần vành xe cũng nhiều lần gây khó khăn khi phải đảm bảo chịu được lực căng của lốp xe khi bơm đầy hơi.